Thoái vốn là một hình thức rất phổ biến trong đầu tư, khi mà
các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức muốn rút vốn đầu tư của mình. Chúng
ta có thể hiểu một cách đơn giản "thoái vốn" chính là cách cá nhân
hay tổ chức tham gia hùn vốn với doanh nghiệp hay với một công ty để kinh doanh
và bây
giờ mình quyết định không tham gia nữa, và sẽ rút lại phần vốn của mình thì được
gọi là thoái vốn. Từ
cách hiểu như thế, có thể hiểu thoái vốn nhà nước trong công ty cổ phần là việc
nhà nước rút lại vốn đầu tư của mình tại công ty cổ phần để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau
cổ phần hóa, để bổ sung nguồn thu cho ngân sách và nhằm giảm thiểu sự dính líu của Nhà nước vào các
hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp, nhường việc này cho các nhà đầu tư tư
nhân và nước ngoài.
Đây là một việc làm rất quan
trọng liên quan đến ngân sách nhà nước, vì thế pháp luật đã quy định cụ thể về
nguyên tắc, trình tự khi nhà nước thoái vốn tại các công ty cổ phần. Việc thoái
vốn nhà nước sẽ được thực hiện qua việc chuyển nhượng vốn. Theo đó, Nghị định
91/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể điều này, như sau:
1. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn
Việc đưa ra quyết định thoái vốn sẽ đóng góp một vai trò quan trọng đối với
nền kinh tế, vì vậy, quá trình thoái vốn phải được thực hiện theo nguyên tắc
nhất định để đảm bảo việc thoái vốn sẽ đúng với vai trò và bản chất của nó. Các
nguyên tắc đó bao gồm:
Nguyên tắc đầu tiên, việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải có phương án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo quyết
định của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được Nhà nước
đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Nguyên tắc thứ hai là phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai,
minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn
thất đầu tư trong trường hợp chuyển nhượng vốn dưới mệnh giá.
Nguyên tắc thứ ba là việc xác định giá khởi điểm đối với phần
vốn nhà nước trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa
thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định
của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh.
Việc chuyển nhượng vốn nhà nước có liên quan đến quyền sử dụng đất phải
tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Nguyên tắc thứ tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn và ký hợp đồng thuê
tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà
nước chuyển nhượng, thuê tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng vốn theo quy
định. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp
luật về mức chi phí thuê tổ chức thẩm định giá, tư vấn xây dựng phương án
chuyển nhượng vốn và được trừ vào tiền thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước.
Trong các cuộc họp, Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh việc
thoái vốn phải công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá
quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm,
bảo toàn tối đa tài sản nhà nước. Điều này chứng tỏ việc bán vốn nhà nước trên
sàn chứng khoán đã được Chính phủ nhận thức rõ là điều cần thiết.
2.
Thẩm quyền quyết định chủ trương thoái vốn nhà nước
Thủ tướng Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chuyển nhượng
vốn nhà nước tại công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định việc chuyển nhượng vốn nhà nước đối
với công
ty cổ phần do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định
thành lập hoặc được giao quản lý sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Để việc thoái vốn diễn ra đúng quy định và đúng chủ trương của nhà nước thì
chỉ những cơ quan có thẩm quyền trên mới có thẩm quyền quyết định chủ trương
thoái vốn.
3.
Phương thức thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần
Đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng
ký giao dịch trên sàn giao dịch Upcom thì việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện
theo phương thức giao dịch theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Trường
hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận thì
giá bán thỏa thuận phải đảm bảo trong biên độ giá giao dịch (giới hạn giao động
giá) của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá cổ phiếu được xác định theo giá trị sổ sách của công
ty cổ phần có mã
chứng khoán niêm yết/đăng ký giao dịch, căn cứ vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu
chia (:) cho vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm chuyển nhượng.
Đối với công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn
giao dịch Upcom thì thực hiện chuyển nhượng vốn theo phương thức sau:
- Đấu giá công khai, trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực
hiện chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô. Khi
chuyển nhượng vốn có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên thực hiện tại Sở Giao dịch
chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng phần vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng thì
có thể thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại
doanh nghiệp, hoặc thực hiện đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán;
- Bán thỏa thuận trực tiếp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với nhà đầu tư
trong trường hợp bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công (chỉ có một nhà
đầu tư đăng ký mua cổ phần hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn
bản);
- Khi chuyển nhượng vốn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp thì người có
thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn không được quyết định chuyển nhượng cho
doanh nghiệp trong đó có vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ
nuôi, con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh rể, em
rể, chị dâu, em dâu là người quản lý doanh nghiệp này và không được quyết
định chuyển nhượng cho các cá nhân là người có quan hệ như trên.
Đây là một số vấn
đề pháp lý xung quanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhìn chung đây là
một vấn đề khá phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về pháp luật mới
có thể nhận biết được yêu cầu và thủ tục cần phải thực hiện. Để biết thêm nhiều
thông tin hơn nữa về vấn đề này hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo số điện thoại
sau:
- Hotline: 0945.292.808/0978.635.623
- Email: luatviettin@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét